Thứ năm, 25/02/2010 - 09:28

Xem triển lãm gốm Phủ Lãng ở phố cổ Hội An

Khệ nệ mang hai tấn rưỡi tác phẩm từ sông Cầu xa cả nghìn cây số để mở triển lãm sắp đặt mang tên "Gốm Làng" ngay bên bờ sông Hoài trong những ngày cuối tháng 8 vừa rồi, đó là họa sĩ gốc Hà Nội Trần Đỗ Nghĩa. Đây cũng là lần đầu tiên, gốm Phù Lãng có mặt tại phố cổ Hội An.

Ấn tượng mạnh, khi sắc trầm của gốm sành Phù Lãng chợt trở thành một phần không thể thiếu của bảng mầu phố cổ, khiến du khách trong và ngoài nước tới Hội An dịp lễ hội kỷ niệm 5 năm Mỹ Sơn - Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và Lễ hội văn hóa Việt - Nhật phải dừng chân trầm trồ.

Trong số ít làng gốm cổ Bắc Bộ còn lại tới nay, khi mà Bát Tràng đang bị lai tạp thương mại hóa dữ dội, Thổ Hà, Hương Canh dần thất truyền, thì Phù Lãng vẫn tồn tại mạnh mẽ trong một thế giới nguyên sơ bí ẩn.

Chỉ riêng men truyền thống gốm Phù Lãng đã là cả một bí mật, khi những người nghệ sĩ dân gian từ hàng năm trước đã chuyên dùng một loại cây rừng để đốt ra một thứ tro trắng mịn như tàn thuốc, rồi trộn với vôi tả (vôi sống), sỏi ống nghiền nát và bùn phù sa trắng theo một tỷ lệ nhất định.

Đã có một số nghệ nhân thành công với Phù Lãng như Vũ Hữu Nhung, nhưng không nhiều.

Gốm Phù Lãng luôn mang một mầu trầm ngâm nguyên thủy, luôn như đứng ở một cõi riêng bên ngoài cuộc sống hiện đại, không chỉ kén khách chơi, mà còn kén cả người sáng tạo. Chất thô của gốm Phù Lãng chính là vàng ròng với những ai hiểu và yêu nó.

Phải có căn cốt thế nào mới "đạt đạo" Phù Lãng. Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa là một trong số ít những người may mắn có được "căn cốt" ấy.

Hàng chục năm trở lại đây, anh chàng to lớn với gương mặt đầy ấn tượng này chia nửa thời gian sống của mình với các làng gốm cổ trên cả nước, trong đó máu thịt nhất vẫn là Phù Lãng. Mối lương duyên ban đầu của chàng sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội với Phù Lãng là những ngày đạp xe về làng thực tập. Dần dà chất men thô mộc đã ngấm vào trong máu.

Tác phẩm gốm Phù Lãng dưới tay nhiều nghệ nhân khác thường vặn, thắt, góc cạnh, khai thác thế mạnh trên nền chất liệu chắc nặng và màu sắc thâm trầm thô mộc của ngàn năm đồng đất sông Cầu.

Nghĩa không phải là một nghệ nhân, mà là một họa sĩ yêu gốm, sống nhiều với gốm và có ý thức dùng ngôn ngữ gốm để bày tỏ những ý tưởng bay bổng tràn trề.

Gốm của Nghĩa vì thế ít thiên về tạo dáng, phần lớn dựa trên cơ sở những sản phẩm cổ truyền của làng và chú trọng đưa vào những chi tiết nổi trên thành gốm, đặc biệt là những "mắt gốm". Rất nhiều đôi mắt như vậy mở ra từ lòng gốm, tạo cảm giác hư thực. Những lá thuyền lơ thơ bến sông Hoài, sông Cầu; những vạt ngói âm dương; một vài ô cửa lô xô mở ra đôi gương mặt... Đôi lúc là những mảng hình họa đầy ngẫu hứng và thật khó nắm bắt, như chính khi ấy người nghệ sĩ đã bị dẫn dụ xô cuốn bởi dòng Lục Đầu giang đang ngầm chảy đâu đó trong thớ đất trên tay. Nghĩa muốn nói tiếng của mình trên nền Phù Lãng, và ít ra anh đã không lẫn vào người khác. Và vẫn giữ được hồn cốt nghìn năm của gốm Phù Lãng.

Đau đáu với số phận những làng gốm cổ, trong chuyến triển lãm này, Trần Đỗ Nghĩa còn rủ thêm một nghệ nhân trẻ làng Phù Lãng cùng các loại men và đồ nghề đề về làng gốm cổ Thanh Hà cách phố cổ hơn năm cây số. Làng gốm Thanh Hà tồn tại đã gần 500 năm bên bờ Thu Bồn, dẫu là một điểm tham quan dành cho du khách tới Hội An, nhưng nay đang bập bênh giữa còn và mất.

Mở đầu một cuộc "phiêu lưu" mới thử đi tìm tiếng nói chung giữa hai làng gốm cổ dẫu chất liệu, phong cách, phương pháp chế tác không giống nhau, Nghĩa muốn trả ơn Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội - nơi đã đào tạo và giúp anh có được triển lãm độc đáo bên sông Hoài, và cũng trả ơn Hội An - nơi anh đi về từ mười mấy năm nay...

(Theo Nhân dân)

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến