Thợ lành nghề của làng gốm Phù Lãng.
1. Sang Bát Tràng đúng hôm mưa, rét. "Phố Tràng" buồn hiu hắt, dãy cửa hàng ăm ắp sản phẩm mà khách mua thì lác đác. Vác ba chiếc bình hoa giả cổ màu da lươn ra hỏi giá, tôi như điểm trúng "huyệt" của ông chủ nên câu chuyện về gốm Bát Tràng cứ tuôn chảy, rồi lại mở lối, đưa tôi tới một làng gốm khác: Gốm Phù Lãng (Bắc Ninh). Chuyện bắt đầu từ những chiếc bình cách điệu màu da lươn "lạc" trong cửa hàng.
- Ồ, đấy không phải sản phẩm Bát Tràng làng tôi.
Nó là của làng gốm sành Phù Lãng bên Quế Võ, Bắc Ninh đấy.
Nói rồi ông vào trong mang ra mấy bức tranh đất, giới thiệu đây là sản phẩm của làng gốm Phù Lãng. Không phải người sành các dòng tranh gốm, nhưng tôi vẫn cảm được vẻ đẹp rất đỗi quen thuộc của làng quê Bắc bộ hiển hiện trên những gồ ghề, gai gai của gốm sành Phù Lãng. Rõ là được làm từ đất, qua lò nung ở nhiệt độ 1.000 độ C để bảo đảm gốm sành đanh mặt, nhưng nhìn những bức tranh gốm ấy ta vẫn thấy nét mềm mại, uyển chuyển, hòa quyện của sắc màu và đất. Chả thế mà vạt rau muống cuối vụ, đụn rơm, bụm chuối nhàn nhạt nơi góc vườn quê Bắc bộ khi đã vào tranh gốm lại sống động, dễ khiến người xa quê thấy nhớ da diết bữa cơm chiều nhà nông chỉ với rau muống, cà dầm tương. Rồi những ai chưa từng đến Tây Nguyên mà lặng ngắm tranh gốm cũng có thể hình dung được chiều tím cao nguyên. Mây tím, núi tím.
Một màu tím bàng bạc trên những nếp nhà rông giữa buổi chiều phai…
Ông chủ cửa hàng gốm Bát Tràng buông câu nói hóm hỉnh kiểu "vẽ đường cho hươu": "Nếu vẫn còn ưa nét mộc mạc, cũ cũ kiểu ngày xưa của gốm sành thì cô sang thẳng Phù Lãng, tha hồ chọn mà giá rẻ hơn hẳn".
Ừ nhỉ! Sao mình lại không sang Phù Lãng? Nhớ hôm vào Huế, đến làng cổ Phước Tích, thấy vẻ mặt bà con làm gốm cứ buồn buồn. Hỏi thì mọi người bộc bạch: "Huế cứ mưa rầm rì, răng mà gốm khô để lên màu đẹp? Dù Phước Tích nằm gần sông Ô Lâu với hơn chục bến nước, rất thuận tiện cho việc cung ứng vật liệu và chuyên chở sản phẩm thì… nghề gốm nổi tiếng từ hơn 500 năm của làng vẫn loay hoay trước cơ chế thị trường". Hình như, không chỉ riêng gốm Phước Tích mà có lẽ cả gốm Phù Lãng nổi tiếng từ hơn 700 năm trước cũng gặp khó khăn trước "bão" thị trường chăng?
2. Nhìn trên bản đồ hành chính tỉnh Bắc Ninh, chỉ cần chạy xe theo quốc lộ 18 đến Châu Cầu là có đường rẽ vào xã Phù Lãng. Tới đó chẳng còn thấy đường vẽ nào trên bản đồ nữa, chỉ thấy đất Phù Lãng nằm như tách riêng, sát bờ sông Cầu. Hẳn thế mà ai đến Phù Lãng lần đầu cũng thấy lạ. Đường vào làng gốm bé dần, lắt léo qua nhiều ngõ nhỏ.
Lần tìm lịch sử gốm Phù Lãng trên bản đồ du lịch cũng cho biết nhiều điều thú vị. Địa danh Phù Lãng có thể có từ cuối thời Trần đầu thời Lê. Vào thời kỳ này, Phù Lãng có 3 thôn: Trung thôn, Thượng thôn, Hạ thôn. Theo sách xưa chép lại, ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối triều Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp này, ông học được nghề làm gốm. Nhưng phải vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ XIII) nghề gốm mới được truyền đến đất Phù Lãng Trung và tồn tại cho đến ngày nay. Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ "xương" đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, gốm Phù Lãng được tạo nên từ "xương" đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Theo các cụ cao niên kể lại thì nghề "nghịch đất" của Phù Lãng cũng lắm công phu, nhọc nhằn. Ðất lấy về phải phơi bạc màu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ rồi mới cho ngậm nước, xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất nhuyễn mịn mới thôi. Sau công đoạn vào men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C. Điều làm cho gốm Phù Lãng đặc biệt hơn các loại gốm khác là dùng củi để nung, sự biến nhiệt khác nhau đã tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm và màu men da lươn mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi.
3. Đến Phù Lãng vào ngày ấm, sau đận trời nồm, ẩm ướt làng nghề rậm rịch vào mùa vụ mới. Thật may khi hỏi thăm tới khu giới thiệu sản phẩm tôi được một người dân địa phương nhiệt tình dẫn tới tận xưởng Gốm Ngọc mà không quên giới thiệu đây là xưởng của Bí thư đoàn thôn - người cũng đang đôn đáo chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội làng nghề. Theo như cách lý giải của chàng họa sỹ trẻ Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1982) chủ cơ sở Gốm Ngọc thì việc ra đời Hiệp hội làng nghề bây giờ tuy là muộn so với tuổi làng nghề nhưng vẫn còn kịp. Vì khi cơ chế thị trường bung ra, làng nghề truyền thống Phù Lãng với hơn 400 hộ làm nghề cũng có giai đoạn "hụt hơi". Các nghệ nhân cao tuổi của làng nay đã dần về theo tổ tiên. Nghề gốm Phù Lãng cũng vì thế mà mai một. Số hộ còn bám trụ thì chỉ sản xuất các mặt hàng đơn điệu chum, vại, vò, ấm sắc thuốc, tiểu sành… Mãi cho tới năm 2000, khi lớp trẻ Phù Lãng vốn đã quen thuộc từng công đoạn làm gốm của làng, sau khi tu nghiệp từ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội trở về, làng nghề như "bắt" được nhịp sống mới. Trong lớp trẻ mê nghề, hiếu học quay về quê lập nghiệp ấy không thể quên nhắc tới Vũ Hữu Nhung, người đoạt giải đặc biệt hội thi: "Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng" do Hội đồng Anh tổ chức năm 2001; danh hiệu "Ngôi sao Việt Nam", giải thưởng cao nhất của hội thi các nghề truyền thống... Qua năm tháng khổ công nhào luyện cùng thăng trầm với nghề, những tác phẩm Gốm Nhung đã chiếm được cảm tình của một số bạn hàng từ các thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc… Bây giờ cơ sở sản xuất gốm của anh đã lớn mạnh, tạo việc làm cho nhiều lao động, với mức lương bình quân từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng. Chỉ với màu đất nung đỏ cộng với sự hòa sắc bằng các chế phẩm thay men, người thích "nghịch đất" Trần Mạnh Thiều đã khiến những bức tranh gốm từ dân gian đến hiện đại thấm đẫm tâm hồn Việt.
"Tiếp bước dòng gốm mỹ nghệ đã thành công của Gốm Nhung, Gốm Thiều, năm 2001, tôi đã quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để về quê lập nghiệp bằng nghề gia truyền của quê hương. Bây giờ hai cô em gái của tôi cũng đang theo học mỹ thuật để cùng phát triển hai xưởng sản xuất gia đình" - chủ cơ sở Gốm Ngọc bộc bạch. Hiện nay, cơ sở làm gốm Nguyễn Minh Ngọc đã tạo việc làm cho 20 nhân công, thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở của Ngọc cũng tiên phong sản xuất gốm phong thủy đang rất được thị trường ưa chuộng. Bây giờ về Phù Lãng dễ nhận thấy những đổi thay thăng hoa của gốm cổ. Trên nền chất liệu mà hàng trăm năm trước cha ông từng dùng, đám thợ trẻ và hơn 300 hộ làng gốm đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Từ bình hoa đến đèn cây, đèn ngủ, bình phong thủy, các bức phù điêu, gạch trang trí, tranh… Các đường nét trên sản phẩm có thể được vẽ, khắc chìm hay đắp nổi… thậm chí khoét lỗ cách điệu rất lạ mắt.
Có được thương hiệu rồi, nhưng làm thế nào để giữ và phát triển thương hiệu ấy, luôn là trăn trở của những người làm gốm Phù Lãng. Ở đây chưa có "phố gốm" với sản phẩm bày biện công phu, hút khách như Bát Tràng. Con đường độc đạo chạy dọc làng quá nhỏ, thật khó cho cả với xe con qua lại, nói gì tới xe tải lớn vào "ăn hàng" và mở mang du lịch? Nghe đâu đã có quy hoạch tới 30ha đất cho phát triển gốm Phù Lãng… nhưng chưa có nhà đầu tư. Vì thế, gốm Phù Lãng vẫn đang ở giai đoạn phát triển tự phát, quy mô lớn nhỏ tùy thuộc tiềm lực mỗi hộ làm nghề. Chả thế mà trong câu chuyện, ông Nguyễn Văn Tịnh, thợ gốm thâm niên của làng thở dài khi nhắc đến những hợp đồng với các đối tác Châu Âu đã vuột mất chỉ vì cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Không chỉ "cam chịu", dằn lòng để gốm Phù Lãng tới với khách hàng dưới tên khác, mà do thiếu trầm trọng mặt bằng phát triển, mở rộng dịch vụ thương mại nên khách du lịch thường qua Mạo Khê chọn mua gốm Phù Lãng giá cao, mà không hề ghé qua làng. Còn du khách nước ngoài vẫn lắc đầu, tiếc cho gốm Phù Lãng không bay xa được…