Thứ năm, 25/02/2010 - 09:28

Gốm Phù Lãng đang sống lại

Cùng với Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) là một trong 3 trung tâm gốm nổi tiếng của miền Bắc với lịch sử phát triển trên dưới 600 năm. Ấy vậy, cái làng gốm một thời là niềm tự hào của vùng Kinh Bắc đã có lúc trở nên bất lực trước sự sôi động của thị trường và chỉ thực sự “hồi sinh” khi lớp trẻ trong làng mang đến cho nó một luồng sinh khí mới…

Hồi   sinh

Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu   từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, gốm Phù   Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm   (Bắc Giang). Men gốm truyền thống có màu vàng óng, chảy từng giọt như   mật ong được làm từ tro gỗ tứ thiết (lim, sến, táu, nghiến) trộn với đất   sét hoặc đá thối cùng vôi tả (vôi sống).

Ngày   trước, sản phẩm là những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt   hằng ngày của cư dân đồng bằng Bắc Bộ như chum, vại, chõ xôi, niêu… Đã   một thời gốm Phù Lãng “thống trị” từ vùng núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ   đến ven biển miền Trung nhưng cùng với sự phát triển của xã hội các sản   phẩm gia dụng của họ dần mất đi vị thế, và được thay thế bởi các sản   phẩm có tính năng tiện ích cao hơn.

Cách làm truyền thống   không còn thích hợp, người dân lúng túng. Số lò gốm đỏ lửa giảm dần.   Theo nghề gốm với phương pháp và kinh nghiệm truyền thống hoạt lắm cũng   chỉ đủ ăn. Nhưng thời kì quá độ trôi qua, gốm Phù Lãng đã tìm được cho   mình một hướng đi mới.
 

 

                                                           


       


 
  Con đường dẫn vào Phù Lãng gập   ghềnh, chông chênh như chính số phận của làng gốm cách đây không lâu tấp   nập từng đoàn ô tô đến tham quan và mua hàng.

Tranh thủ cuối tuần, Nguyễn Minh Ngọc,   sinh viên năm thứ 3 thường ĐH Mỹ thuật công nghiệp cặm cụi hoàn thành   nốt những tác phẩm cuối cùng cho kịp mẻ lò sắp tới. Cơ sở gốm mỹ nghệ   Ngọc ra đời cách đây 3 năm kể từ ngày Ngọc bắt đầu theo học đại học,   trước đó gia đình Ngọc như hàng trăm hộ khác trong xã chỉ làm các sản   phẩm gốm gia dụng. Xưởng gốm là nơi để Ngọc thể hiện những ý tưởng sáng   tạo, niềm đam mê cũng như vận dụng những kiến thức đã học một cách tốt   nhất.

Nhưng người có công đầu trong việc vực   dậy làng gốm Phù Lãng là nghệ nhân Vũ Hữu Nhung- một người  sinh ra và   lớn lên trên chính mảnh đất Phù Lãng. Cách đây 5 năm, sau khi tốt nghiệp   Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh về quê lập xưởng gốm và đã làm thay đổi tư   duy sản xuất truyền thống: Đó là đưa nghệ thuật vào  gốm để tạo ra dòng   gốm mới - gốm mỹ nghệ.

Chính vì thế, thời gian gần đây, nói đến   gốm Phù Lãng, người ta thường nhắc đến gốm Nhung, nhưng Phù Lãng không   chỉ có gốm Nhung đành rằng anh là người có công rất lớn trong việc mang   lại cho gốm Phù Lãng giá trị mới. Ngọc là một trong số những thanh niên ở   làng cũng đang và sẽ đi theo con đường của Vũ Hữu Nhung.

Anh   tâm sự: “Hiện tại em vừa học vừa làm, dành dụm một chút vốn, sau khi ra   trường sẽ về quê phát triển xưởng gốm. Số lượng xưởng gồm ở làng chưa   nhiều, thị trường vẫn rộng mở và sự sáng tạo của con người không bao giờ   có giới hạn. Gốm Nhung làm sao để không giống gốm Ngọc, không giống gốm   Thượng Nguyên, gốm Bình Minh… nó phải là những phong cách riêng mang   đặc trưng chung của gốm Phù Lãng. Như vậy không những giữ gìn mà còn   phát triển được cái nghề đã có hàng trăm năm ở làng.”

Có lẽ   đó không chỉ là mong muốn của riêng Ngọc mà còn là cách những người con   Phù Lãng muốn “trả ơn” mảnh đất này.

Tiềm năng vẫn   còn… tiềm ẩn?


                               
 


Bây giờ,   gốm Phù Lãng đã có mặt tại Italia, Pháp, Nhật… và được đánh giá cao bởi   nó không chỉ là sản phẩm thủ công 100% mà còn bởi sự độc đáo, có giá trị   thẩm mỹ cao. Mặc dù nằm tiếp giáp với vùng than (Quảng Ninh) nhưng   nhưng ở Phù Lãng người ta vẫn sử dụng phương pháp truyền thống- dùng củi   để nung , nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt   gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi.

Trên   cái chất liệu mà hàng trăm năm trước cha ông từng dùng, những nghệ nhân   của làng gốm đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, từ bình hoa đến   các vật dụng trang trí khác như đèn ngủ, các bức phù đIêu, gạch trang   trí, tranh…. Trên đó các đường nét có thể được vẽ, khắc chìm hay đắp   nổi… thậm chí khoét lỗ nhằm khắc hoạ chân dung một thiếu nữ, một bông   hoa sen được cách điệu, một con thuyền, những mái ngói lô xô, những ô   cửa sổ… hay đơn giản hơn đó chỉ là những mảng khối đầy ngẫu hứng theo   phong cách của châu Âu để tạo ra những “mắt” gốm. Cũng vì lẽ đó mỗi sản   phẩm gốm Phù Lãng là một cá thể được tạo ra bởi sự sáng tạo của bàn tay   và khối óc người thợ cùng với sự thăng hoa của tạo hoá, là sự tri ân   giữa đất và người.

Điều này đã khiến cho gốm Phù Lãng luôn   mới nhưng lại vẫn giữ được những nét nguyên sơ bí ẩn, luôn là sự khám   phá và sáng tạo không giới hạn. Nhiều tác phẩm về mặt lý thuyết tưởng   như thất bại nhưng lại tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ không ngờ có giá   trị nghệ thuật cao mà những người làm ra nó cũng không thể tưởng tượng   nổi.
 
  Nguyễn Minh Ngọc cho biết: Có tác phẩm mình định hình rõ màu   men nhưng sau khi ra lò nó lại là một sự phá cách mà không bao giờ có   thể lặp lại. Chính vì vậy một số sản phẩm khách hàng rất thích nhưng khi   đặt hàng làm theo hàng loạt thì chủ lò cũng đành “bó tay”.

Gam   màu chủ đạo của gốm Phù Lãng vẫn là gam trầm nguyên thuỷ, tưởng như nó   đứng một cõi riêng bên ngoài cuộc sống hiện đại, nhưng lại không phải   vậy, nó đi vào cuộc sống tự nhiên như như khí trời.

Nếu   nói về làm gốm, ở Phù Lãng hiện còn hàng trăm hộ giữ nghề nhưng số hộ   làm gốm mỹ nghệ thì vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là chưa kể đến quy   mô sản xuất. Chỉ có 2 đến 3 cơ sở ra lò mỗi tháng còn hầu hết phải   tháng rưỡi đến hai tháng mới ra lò một lần. Cũng dễ hiểu bởi gốm mỹ nghệ   Phù Lãng mới xuất hiện dăm năm trở lại đây hơn nữa không phải ai cũng   có khả năng làm được dòng gốm này.
 
 

 

                               



Điều đáng nói là các hầu hết các   cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ ở Phù Lãng vẫn chưa chủ động được về trị   trường. Phần lớn các sản phẩm đều được bán thông qua đại lý ở Hà Nội và   các thành phố lớn. Lấy ví dụ: sản phẩm bình gốm trung bình có mức giá   40- 45 nghìn đồng/chiếc nhưng tại thị trường Hà Nội có giá gấp đôi hoặc   cao hơn.

Duy nhất Thượng Nguyên là cơ sở gồm khá   nhanh nhạy với thị trường đã mạnh dạn từ trong TP Hồ Chí Minh ra Phù   Lãng đặt “đại bản doanh”. Tuy nhiên phần lớn các sản phẩm của cơ sở này   sau khi ra lò đều được đưa vào Tp Hồ Chí Minh. Gốm Nhung đã bứơc đầu   tiếp cận được với thị trường nước ngoài nhưng vẫn còn hạn chế. Một chủ   lò gốm cho biết: Hầu hết những lô hàng gốm của Phù Lãng xuất ra nước   ngoài đều phải thông qua các cơ sở gồm của Bát Tràng. Chỉ có một số ít   sản phẩm được bán cho khách du lịch và khách tham quan.
 
  Tuy   nhiên Phù Lãng chưa phải là địa điểm tham quan du lịch được nhiều người   biết đến. Như vậy ở một góc độ nào đó các nghệ nhân làng gốm Phù Lãng   vẫn chỉ là những người… “làm thuê”. Phần lợi nhuận đáng kể nhất thu được   từ hoạt động thương mại thì họ không được hưởng. Thương mại điện tử,   một trong những cách thức tiếp cận thị trường hiệu quả và chi phí thấp   vẫn chưa được áp dụng ở đây (điều này đã được Bát Tràng áp dụng khá   tốt). Tương lai của làng gốm Phù Lãng đang đặt lên vai của những người   như Vũ Hữu Nhung, Nguyễn Minh Ngọc… và lớp trẻ trong làng!

Thái Bình

Nguồn: Vietimes.com.vn

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến