Thứ năm, 25/02/2010 - 09:28

Gốm Phù Lãng Và Sản phẩm tiêu biểu

Nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Phù Lãng (huyện Quế Võ) được coi là nơi phong cảnh hữu tình hiếm có của vùng Kinh Bắc. Làng Phù Lãng từ xa xưa đã hội tụ đầy đủ điều kiện cho nghề gốm ra đời và phát triển. Cùng với gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Đồng Nai, Sông Bé… gốm đã tồn tại và phát triển rất lâu đời, gắn bó với con người trong hầu hết các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội, gắn bó với con người cả khi sống lẫn khi đã chết.

gom phu lang
Một góc làng gốm Phù Lãng


gốm phù lãng
Người nguyên thủy trong Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam (đất nung do làng gốm Phù Lãng làm
)

Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Dấu ấn để lại khắp châu thổ sông Hồng là những dấu ấn tín ngưỡng như rồng, phượng, hạc, lư hương, đỉnh, đài thờ, tứ linh, nghê… trên các chùa, đình, miếu, nhà thờ, tháp…
gom phu lang
Lư hương, bình hoa thờ của gốm Phù Lãng

Gốm đã có mặt trong các gia đình, nhất là vùng thôn quê Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ, các loại gốm gia dụng như chum, vại, chĩnh, lọ, lục bình, siêu ấm…
gốm phù lãng
Chum gốm men nâu
Gốm còn theo người chết về cõi vĩnh hằng như tiểu sành, quách sành…

Ngày nay, gốm đã phát triển thành những mặt hàng dân dụng như chậu cảnh, gạch ốp trang trí, gạch lát nền, phù điêu, tranh gốm, tượng phụ nữ, biểu tượng logo…

gom phu lang
Bình hoa cổ trang trí hoa văn

Hiện nay, sau nhiều năm mở cửa, thực hiện cơ chế thị trường, đất nước đã thực sự hội nhập. Ngành gốm nói chung cũng phải biến đổi để phù hợp với thị trường và đời sống đương đại. Nhiều người con của làng Phù Lãng không còn bằng lòng với “bảo bối gia truyền” mà đã cố công đi học ở khoa điêu khắc của trường Đại học Mỹ thuật và Mỹ thuật công nghiệp. Có nghệ nhân trẻ đã phải vét đến đồng tiền cuối cùng để đi tham quan thị trường và công nghệ sản xuất gốm ở nhiều nước trên thế giới. Tiêu biểu nhất trong lớp trẻ là Vũ Hữu Nhung, một nghệ nhân biết sáng tạo, kết hợp thành công giữa gốm truyền thống và hiện đại, đã tạo ra được một dòng gốm mới được gọi là Gốm Nhung.

Gốm Nhung là con đường mới đi vào mỹ nghệ, vào nghệ thuật trang trí. Nó giành lấy chỗ cho mình trong những nội thất tân thời… Bằng những khổ công tìm tòi, Gốm Nhung đã phát lộ ra cái đẹp bản chất của gạch, gỗ, đá, vải, mây tre, cây cỏ và thể hiện chúng trên chất liệu của gốm một cách đa hình, đa sắc…

Những năm vừa qua, nhằm bảo vệ và phát triển làng nghề, nhà nước và địa phương đã tổ chức làng Phù Lãng là một trong tuyến du lịch làng nghề do cộng đồng Pháp ngữ vương quốc Bỉ tài trợ với sự tham gia của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT), qua đây đã quảng bá tuyên truyền cho khách thập phương về một vùng đất, một làng quê đã biết kế thừa di sản văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.
PHẠM HUY TƯỞNG
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến