Thứ năm, 25/02/2010 - 09:28

Gốm Phù Lãng xưa và nay

Nằm bên bờ nam con sông Cầu, thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh, làng gốm cổ truyền Phù Lãng là một trong ba trung tâm gốm cổ nổi tiếng trong dân gian: Thổ Hà, Bát Tràng, Phù Lãng. Thổ Hà coi như đã tắt lửa, Bát Tràng về với Hà Nội, ở Kinh Bắc chỉ còn Phù Lãng đã qua những giai đoạn phát triển huy hoàng, đã có lúc tưởng như tàn lụi, rồi lại hồi sinh rực rỡ. Và đang phát triển, tuy phát triển một cách nhọc nhằn, trong cuộc cạnh tranh tất yếu thời kinh tế mở cửa.

Những tác phẩm gốm men vàng nâu, niềm tự hào của người làm gốm Phù Lãng từ nhiều thế kỷ trước, đặt cạnh những tác phẩm gốm sản xuất theo công nghệ mới, giàu tính trang trí của họa sĩ Vũ Hữu Nhung, đưa đến hình ảnh về sự tiếp nối và phát triển của một làng nghề. Người xem có thể hình dung những người làm gốm ở đây vẫn luôn luôn phải vật lộn vất vả thế nào để giữ nghề, cố duy trì nghề và tìm đường ra cho sản phẩm của mình. Sự tiếp nối và phát triển ấy cũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề trong cuộc trưng bày này. Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử, nhà sưu tập gốm Phạm Dũng, kết hợp với Gốm Nhung tổ chức.
gach-trang-tri | gom-phu-lang
Gốm phù lãng: gạch trang trí

Nghề gốm Phù Lãng đã để lại dấu ấn lịch sử ngót 10 thế kỷ. Gốm Phù Lãng với những sản phẩm truyền thống chủ yếu là đồ gia dụng như chum, vò, lọ, bát đĩa men da lươn, rất được dân ưa chuộng.

Trước kia, công nghệ làm gốm ở đây phải tuân theo những nguyên tắc chặt chẽ, đặc biệt về khâu luyện đất. Ðất để làm gốm phải là loại đất đặc biệt, dẻo quánh, dân ở đây phải mua đất ở xã Nhơn Hòa, Việt Thống, xa tới 25 km. Ðất về, người thợ phải phơi cho bạc, đập và trộn nhiều lần, người làm gốm phải nè, xéo tới bảy tám lần sao cho miếng đất trông như miếng giò mới đưa lên bàn xoay để nắn.


Gốm phù lãng : gạch trang trí
Men da lươn cũng phải chế tạo rất kỳ công. Muốn cho men óng, phải dùng tro đốt từ củi rừng cùng với đá, làm đất sét mịn khô đập nhỏ cho vào nước rồi lọc qua rây bột. Củi phải mua. Men và đất phải rất kỳ công, mà sản phẩm phải đẹp và giá phải rẻ, chỉ như thế, cũng đủ thấy sự khó khăn của người dân làng nghề.

Sự làm tắt và cẩu thả đã thể hiện trong những năm gần đây ở Phù Lãng. Câu "Nhất xương nhì da, thứ ba dạc lò" chỉ là để nói về công nghệ xưa, nay không còn hẳn như vậy nữa, đất vừa luyện đã cho vào lò, men cũng thiếu nguyên liệu và công sức để cầu kỳ như xưa.

Gần 300 hộ làm gốm ở Phù Lãng đang phải cạnh tranh khốc liệt với những đồ dân dụng công nghiệp. Làm thế nào để sống, phát triển là một câu hỏi khó. Bắt đầu bớt dần sản phẩm truyền thống đơn giản để hướng tới dòng gốm mỹ nghệ là ý tưởng của Vũ Hữu Nhung, đại diện cho lớp trẻ của làng. Vũ Hữu Nhung cho rằng Phù Lãng may mắn giữ được nghề cũ của cha ông, nhưng chủ yếu làm đồ gia dụng cấp thấp, những sản phẩm gốm trang trí còn đơn điệu.

Sau năm năm theo học khoa Gốm tại ÐH Mỹ thuật Công nghiệp, Nhung quay về làng chuyên tâm nghiên cứu những mẫu mới cho gốm. Nhung thể nghiệm nhiều chất liệu khác nhau, đưa gỗ, đá, gạch, vải, mây tre... vào gốm Phù Lãng, đưa lại những ấn tượng mới mẻ, hứa hẹn một hướng đi cho làng gốm cổ.

Nhưng những thể nghiệm có thể mới là thể nghiệm của Nhung thời gian qua đã bị nhiều người học hỏi và sử dụng khá bừa bãi. Các lò gốm của Phù Lãng nhìn chung hoạt động manh mún, lẻ tẻ, chỉ cần thu nhập trước mắt, những người thợ gốm ở đây ít nghĩ đến xây dựng thương hiệu.

Nếu không thế, một số có quy mô lớn hơn thường chạy theo nhu cầu thị trường, thiếu hụt nghệ nhân lành nghề, kém sáng tạo, sẵn sàng học lỏm và sao chép cẩu thả ý tưởng của người khác. Ðó cũng gần như là điều không tránh khỏi trong cơ chế thị trường hiện nay. Nó không hứa hẹn gì cho tương lai làm gốm ở làng, nếu không nói sẽ dẫn đến bế tắc và tự làm hại mình.

Cũng may, người làm gốmPhù Lãng cũng đã nhận ra điều đó. Vũ Hữu Nhung đã có cả một xưởng gốm lớn, đủ để anh giúp mọi người quanh mình sáng tác mẫu mã và thể hiện ý tưởng. Gốm Phù Lãng, với những tinh hoa ngàn năm và sự nhọc công vì nghề của lớp thợ mới, hy vọng sẽ mãi là một trung tâm gốm không thể thiếu ở vùng Kinh Bắc.
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến