Thứ năm, 25/02/2010 - 09:28

Gốm Phù Lãng: Lao đao giữ nghề truyền thống

Phù Lãng là một trong những địa phương nổi tiếng về nghề làm gốm. Gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang).

Men gốm truyền thống có màu vàng óng, chảy từng giọt như mật ong được làm từ tro gỗ tứ thiết (lim, sến, táu, nghiến) trộn với đất sét hoặc đá thối cùng vôi tả (vôi sống). Sự độc đáo của Gốm Phù Lãng thể hiện ở chất men màu da lươn, thô mộc, khỏe khoắn, bền bỉ và chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất. Trước đây, sản phẩm gốm Phù Lãng là những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày của cư dân đồng bằng Bắc bộ như chum, vại, chõ xôi, niêu.

Sức sống một làng nghề

Không chỉ làm hàng sử dụng trong nước, gốm Phù Lãng còn rất hấp dẫn thị trường nước ngoài với những sản phẩm trang trí nội thất luôn đảm bảo chất lượng và uy tín. Gốm Phù Lãng đã có mặt tại Italia, Pháp, Nhật… và được đánh giá cao bởi nó không chỉ là sản phẩm thủ công 100% mà còn bởi sự độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao. Đặc trưng của gốm Phù Lãng là dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi.

Sản phẩm làm ra luôn được kiểm tra giám sát chặt chẽ, qua nhiều công đoạn, bảo đảm sản phẩm khi xuất bán phải đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của mọi khách hàng.... Từ những chum, vại đựng tương cà, mắm muối, các nghệ nhân Phù Lãng đã biến thành chiếc bình, lọ, đĩa treo tường, gạch ốp, tranh gốm, đèn vườn và nhiều sản phẩm trang trí nội, ngoại thất giàu chất sáng tạo, mang dấu ấn riêng của làng nghề gốm Phù Lãng. Nghề gốm không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động mà còn khiến người dân nơi đây ngày càng trở nên yêu và gắn bó với nghề. Trong làng, có nhiều người đã sớm ăn nên làm ra, khẳng định uy tín của mình trên thương trường. Đã có thời kỳ, nhiều xưởng sản xuất gốm ở Phù Lãng làm hàng ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, thậm chí nhiều đơn đặt hàng còn không làm kịp.

Lao đao giữ nghề

Tuy nhiên, do làm ăn còn manh mún nên Phù Lãng cũng là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề của tình trạng suy giảm kinh tế. Đến nay, khi nhiều làng nghề đã từng bước hồi phục thì ở Phù Lãng, việc sản xuất gốm vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Phù Lãng có gần 200 doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này, toàn xã mới có hơn 250 lượt lò đốt gốm, lượng hàng hóa sản xuất hiện tại chỉ bằng 30% so với thời điểm đầu năm 2008. Nhiều hộ đã ngừng sản xuất gốm, chuyển sang sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác. Hiện tại, lượng hàng tồn kho còn khá nhiều. Khó khăn nhất hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn kích cầu còn hạn chế bởi trong số gần 200 hộ sản xuất gốm ở Phù Lãng mới chỉ có 2 công ty và 1 hợp tác xã, còn lại là các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đủ điều kiện cũng như thiếu các loại giấy tờ cần thiết, nên nguồn vốn vay thấp không đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất. Vì vậy, các hộ sản xuất phải chủ động phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để tiếp cận các nguồn vốn vay, thúc đẩy phát triển, ổn định sản xuất.

Điều đáng nói là ở hầu hết các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ của Phù Lãng vẫn chưa chủ động được về thị trường. Phần lớn các sản phẩm đều được bán thông qua đại lý ở Hà Nội và các thành phố lớn. Ví dụ: sản phẩm bình gốm trung bình có mức giá 40- 45 nghìn đồng/chiếc nhưng tại thị trường Hà Nội có giá gấp đôi hoặc cao hơn.

Hầu hết những lô hàng gốm của Phù Lãng xuất ra nước ngoài đều phải thông qua các cơ sở gốm của Bát Tràng. Chỉ có một số ít sản phẩm được bán cho khách du lịch và khách tham quan. Hiện nay, sản xuất gốm ở Phù Lãng chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, mạnh ai nấy làm. Tình trạng làm theo phong trào khiến lượng hàng hóa cung vượt cầu cũng khiến sản phẩm bị tồn đọng. Đó là chưa kể, trước đây, hầu hết các sản phẩm gốm Phù Lãng chủ yếu phục vụ xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường trong nước. Nay nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường nội địa nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Lý do là mặc dù thị trường nội địa rất có tiềm năng nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn, trong khi hàng hóa tồn đọng, vốn vay lại khó tiếp cận nên nhiều doanh nghiệp rất lúng túng.

Được biết, hiện nay, UBND xã Phù Lãng đã dành khoảng 30 ha quy hoạch dự án làng nghề song do chưa có chủ đầu tư nên dự án vẫn chưa triển khai. Xã cũng cố gắng tạo điều kiện về thủ tục giấy tờ cho các hộ dân liên hệ vay vốn ngân hàng nhưng lại gặp khó khăn về điều kiện vay vốn. Rõ ràng, việc gìn giữ nghề truyền thống của cha ông và bảo tồn được giá trị văn hóa dân gian là một việc không đơn giản trong thời buổi công nghiệp hóa hiện nay.

CôngThương

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến